HỆ THỐNG KHEN THƯỞNG CHO TRẺ TẠI NHÀ: LÀM SAO CHO ĐÚNG?

HỆ THỐNG KHEN THƯỞNG CHO TRẺ TẠI NHÀ: LÀM SAO CHO ĐÚNG?

Có rất nhiều thảo luận không hồi kết của các cha mẹ, cũng như các nhà tâm lý đối với việc tạo động lực cho trẻ làm việc nhà, học hành, tham gia các hoạt động…

  • Chúng ta nên chỉ khen trẻ thôi?

  • Hay treo thưởng?

  • Treo thưởng thế nào thì trở thành mua chuộc?

  • Việc nào thì nên bắt buộc?

  • Việc nào thì nên treo thưởng?

  • Treo thưởng có làm mất động lực tự thân ở trẻ hay không?

  • Nên trả tiền cho trẻ những việc gì?

  • Việc gì phải bắt buộc làm và không treo thưởng?

  • Có nên trao thưởng vì điểm số tốt hay không?

Hàng loạt những băn khoăn chưa được giải đáp khiến cho các cha mẹ cũng “hơi run tay” chưa dám thực hiện triệt để.

Bài viết này chúng tôi sẽ chỉ ra cách:

  • Hệ thống khen thưởng nên được thực hiện thế nào trong gia đình?

  • Khi nào thì nên dùng hệ thống treo thưởng?

  • Khi nào thì nên rút dần hệ thống treo thưởng?

Hệ thống khen thưởng dựa trên lý thuyết tâm lý củng cố tích cực để khuyến khích hành vi tốt, thậm chí có thể chế ngự và kiểm soát cơn nóng giận nữa đó. Nghiên cứu của TS Katarzyna Bisaga từ ĐH Columbia cho biết “khi một đứa trẻ có hành vi tích cực và nhận được nhiều lời khen ngợi, con sẽ có nhiều khả năng lặp lại hành vi đó trong tương lai.”

Hệ thống khen thưởng cho trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể sử dụng stickers dán vào sổ lời khen, hoặc bảng khen thưởng trên tường.

Cách làm rất đơn giản, khi con hoàn thành một công việc, hay mục tiêu nào đó, khen con và tặng con một sticker.

Việc có mục tiêu dài hạn rất quan trọng, ví dụ, sau khi có 5 stickers, con sẽ được xem một video yêu thích. Càng chờ đợi lâu, trẻ càng có phần thưởng lớn hơn. Ví dụ, sau 20 stickers, con sẽ được đi khu vui chơi trẻ em.

Sai lầm mà cha mẹ dễ mắc phải: dùng sticker hoặc điểm thưởng để mua chuộc hành vi của con. Ví dụ, con ăn thêm bát cơm này nữa sẽ được 1 sticker, con chào ông bà đi sẽ được 1 sticker. Thay vào đó, phần thưởng chỉ nên dành cho các nhiệm vụ được chỉ định từ trước (giống như việc nhà).

Một số gợi ý khác, thay vì stickers:

  • Hạt đậu bỏ vào lọ

  • Đồng xu giả bằng nhựa (đây là cách nhà mình đang dùng, sử dụng các đồng xu nhựa hình tròn)

  • Ứng dụng trên điện thoại

  • Đánh dấu vào sổ....

Kiểu gì cũng được, vì tất cả đều hoạt động cùng một nguyên tắc. Chỉ có điều, trẻ dưới 6 tuổi chỉ hiểu hình ảnh trực quan, nên cần phải biến các hoạt động khen thưởng này mang tính trực quan.

Hãy thưởng ngay khi làm việc tốt

Cha mẹ nên đưa ra phần thưởng trực quan ngay sau khi hành vi tốt của con xảy ra. Nếu không, con có thể quên mất lý do tại sao con được khen thưởng.

Thật chậm rãi

Khi bắt đầu hệ thống khen thưởng, mỗi lần chỉ theo dõi và khen thưởng một hành vi. Ví dụ: trẻ mới biết đi hoặc trẻ mẫu giáo có thể nhận được sticker khi đi vệ sinh đúng nơi quy định, tự mặc quần áo, nói "cảm ơn”…nhưng không phải tất cả cùng một lúc.

Hãy chỉ luyện tập 1 hành vi tốt vào 1 thời điểm. Ví dụ, suốt 1 tuần chỉ khen thưởng con về việc tự mặc quần áo. Khi con đã thành thục một kỹ năng tốt rồi, mới tiếp tục khen thưởng và nhấn mạnh đến hành vi thứ 2. Quá nhiều kỹ năng cần rèn luyện một lúc, có thể khiến con bối rối và không nhớ hết được.

Hãy khen ngợi thật nhiều

Trẻ dưới 6 tuổi rất thích làm hài lòng cha mẹ. Vì vậy, hãy khen ngợi con thật nhiều khi con hoàn thành mục tiêu, từ đó con được khuyến khích tiếp tục những hành vi tốt.

Vì dù sao, khi con lớn dần các sticker dần không có tác dụng nữa. Sử dụng sticker chỉ giải quyết trong thời gian ngắn hạn, khi trẻ con nhỏ thôi. Lớn dần lên nếu trẻ vẫn phụ thuộc vào hệ thống phần thưởng của cha mẹ là một điều không có lợi.

Hệ thống khen thưởng cho trẻ ở độ tuổi đi học

Cha mẹ hãy rút dần sticker hay điểm thưởng với các hoạt động đã trở thành thói quen của con. Ví dụ: con đã làm việc nhà quen thuộc rồi, hãy duy trì nó như một thói quen làm việc hàng ngày, không treo thưởng nữa.

Nhưng tiếp tục thưởng với các hành vi khó hơn, ví dụ cuối tuần giúp mẹ dọn vườn, trồng cây…

Và trẻ bắt đầu muốn đổi lấy các phần thưởng lớn hơn, “khó chấp nhận” hơn, như:

  • Một chuyến đi chơi xa với bạn

  • Đi ngủ muộn hơn

  • Thêm giờ chơi điện tử

  • Đổi sang tiền mặt

Công việc khó hơn, số điểm (stickers) phải nhiều hơn, khi đó, các phần thưởng cụ thể phải cao hơn và đòi hỏi đổi nhiều điểm hơn. Chỗ này là một cái bẫy, nếu cha mẹ nào không khéo léo có thể “sụp đổ hệ thống”. Việc sụp đổ thể hiện ở: con dỗi không thèm làm để đòi điểm thưởng nữa, không thèm quà và phần thưởng nữa, vì khó quá làm mãi không thành công, hoặc trẻ làm gì cũng mặc cả và đàm phán đòi điểm/tiền trước khi làm. Hay cha mẹ thấy “lạm phát” quá, việc phải đưa khó hơn, ít việc khó, con thì đòi nhiều quà đắt đỏ quá, nên phải đẩy số điểm cao lên…nên cha mẹ tự huỷ bỏ hệ thống vì không chịu nổi.

Vì thế, chúng tôi luôn nhấn mạnh, việc treo thưởng bằng sticker, tiền, quà..chỉ nên dùng trong ngắn hạn, khi trẻ con bé, để đạt được mục đích trước mắt của cha mẹ thôi.

Khi con lớn dần lên, cần phải bỏ hệ thống này, hoặc thay đổi để tránh rơi vào cái bẫy như trên.

Nếu cha mẹ không chắc chắn mình là một nhà “viết chính sách” (policy maker) xuất sắc, hãy thận trọng khi áp dụng hệ thống phần thưởng này, đặc biệt khi con bước vào tuổi teen.

Dưới đây là một số mẹo để thành công với hệ thống thưởng điểm cho trẻ lớn.

Sử dụng biện pháp thay thế điểm thưởng

Cha mẹ có thể loại bỏ dần phần thưởng, sticker, điểm thưởng khi con lớn dần lên. Thay vào đó là khen con, cảm ơn con. Tất nhiên khi con lớn hơn, con sẽ cần nhu cầu vật chất, mua sắm. Lúc này, cha mẹ hãy cho con tiền tiêu vặt (giống như lương) để hướng dẫn con về quản lý tài chính.

Nếu con có nhu cầu khác ngoài vật chất (ví dụ đi chơi với bạn bè, thêm thời gian online…), cha mẹ hãy cùng con tạo ra quy tắc gia đình để cùng nhau tuân thủ và tôn trọng, chứ không dùng điểm hay tiền để mua.

Phạt hay trừ điểm, nên hay không?

Một số cha mẹ có thưởng điểm, thì cũng có phạt hoặc trừ điểm. Nếu cha mẹ phạt, hãy giải thích với con rõ ràng lý do vì sao, để con chấp nhận, chứ không thể chỉ tước đi quyền lợi/ điểm thưởng như một “kẻ độc tài”.

Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con cách lấy lại điểm, ví dụ khắc phục lỗi vừa gây ra, làm việc tốt khác để bù vào.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyên không nên trừ điểm vì nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến động lực.

Thay vào đó, hình phạt có thể là làm thêm việc nhà, cắt bớt giờ chơi, hoặc giảm bớt quyền lợi.

Hãy hỏi ý kiến ​​của con

Đôi khi cha mẹ treo thưởng là: 10 sticker sẽ đổi được một cuốn sách. Nhưng con đâu có thích sách, trên giá còn bao nhiêu sách con chưa đọc. Trong khi đó, con đang muốn có một đôi giày trượt patin mà ao ước bấy lâu.

Vậy thì trò chuyện với con để hiểu động lực của con vô cùng quan trọng. Không phải cha mẹ treo thưởng gì là con thích điều đó.

Việc “viết chính sách” hay thưởng phạt chưa bao giờ là dễ cả. Chúng ta có thể sa vào cái bẫy “nhà độc tài” nếu như tự quyết, tự ép buộc, tự áp dụng mà quên mất rằng con cũng có những tâm tư và mong muốn riêng của con. Hãy thận trọng đi từng bước nhỏ, điều chỉnh mỗi ngày cho phù hợp với con. Dù sao, đứa trẻ này cũng là duy nhất, không có một công thức chung nào đúng được hết đâu.

(Kiến thức tham khảo từ: Parents.com và Nova Principles)

—-

Mai Mai - Family Education Mentor

Founder @LifeMentor.vn

#Lifementor #ChaMeDanLoi

#LamChaMeHieuQua #MaiMaiParenting

#NhatKyHomeschooling #DayConTaiNha #GiaoDucTuGiaDinh

#CoachGiaoDucTuGiaDinh

#FamilyEducationCoach #MaiMai

#ParentAsACoach #ChaMeKhaiVan #TuoiTeen

← Bài trước Bài sau →